Facebook
Youtube
Instagram
Tripadvisor

Doanh nhân Nguyễn Văn Cường.

Doanh nhân Nguyễn Văn Cường: Phiêu lưu cùng… men bia

Là nghệ nhân nấu bia (brewmaster) Việt Nam duy nhất theo đuổi sự nghiệp bia thủ công (craftbeer), Nguyễn Văn Cường khởi nghiệp từ “4 không” và chỉ sau 3 năm đã bước ra khỏi vùng an toàn, thỏa sức phiêu cùng men bia…

1. Sam đến từ Thuỵ Sỹ, cuồng xe máy phân khối lớn của Ấn Độ, thích đi du lịch và khám phá bia địa phương. Hai năm trước, Sam đến Hà Nội, ngạc nhiên đi lại giữa dòng người phố cổ. Sam tình cờ lạc vào “ngã tư quốc tế”, nơi giao nhau giữa phố Tạ Hiện và Lương Ngọc Quyến. Anh bước vào quán 45A Lương Ngọc Quyến, thốt lên kinh ngạc khi uống 1 chai C-Brewmaster Pharaoh không nhãn mác, chỉ có miếng sticker có chữ ký của người nấu bia.

Giám đốc vùng châu Á của Apple từng đến Việt Nam du lịch và chuyên gia chấm điểm hàng ngàn loại bia trên thế giới này cũng bị mê hoặc bởi vị bia tại quán 45A Lương Ngọc Quyến. Ông đã chấm cho một số dòng bia tận 5 điểm, một ngưỡng điểm hoàn hảo về bia mà bất cứ ai trong ngành đều tự hào.

Ở quán bán bia C-Brewmaster này, lúc đầu 90% là người nước ngoài đến thưởng thức, 10% người Việt, hầu hết từng đi học, đi làm và sống ở nước ngoài nên đã biết về craftbeer. Nhưng bây giờ, tình thế bị đảo ngược, khi 70% là người Việt, 30% người nước ngoài.

Từ một xưởng nhỏ 50 m2, giờ thương hiệu này đã có một nhà máy bia thủ công với công suất 2.000 lít/mẻ ở Hà Nội và 1 nhà máy ở Tiền Giang có công suất 4.000 lít/mẻ cho thị trường phía Nam. Cùng với đó là nhà máy bên Lào cũng đang đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Hiện C-Brewmaster có 2 địa điểm giới thiệu sản phẩm ở Hà Nội và TP.HCM với các điểm phân phối ở Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng. Với hơn 300 mẻ thử nghiệm trong 3 năm, C-Brewmaster đã chắt lọc đưa ra 50 loại bia khác nhau phục vụ khách hàng trong nước và xuất khẩu.

Dấu ấn ngoạn mục đó của C-Brewmaster đã thôi thúc tôi tìm gặp người chủ của thương hiệu này. Cuộc hẹn được sắp đặt tại quán vào lúc 3h chiều, thời gian quán vắng khách nhất.

Nguyễn Văn Cường xuất hiện với quần jean hiệu cũ, áo thun màu xám “đặc sản” của C-Brewmaster in hình chai bia với các thương hiệu mình chế tác. Một quang cảnh tuyệt vời để nói về bia…

2. Sinh ra ở Hà Nội, ở mỗi một cấp học phổ thông, Nguyễn Văn Cường lại nghĩ mình làm một nghề khác nhau. Ở bậc tiểu học, vì rất thích những chiếc áo trẻ con, chiếc quần tích kê vuông tròn cân đối mẹ mình may và đơm cúc, anh nghĩ lớn lên sẽ học làm thợ may như mẹ.

Lên cấp hai, một lần đến chơi chỗ bố mình, khi đó đang làm bếp trưởng ở một khách sạn 5 sao, được ăn món ngon nhất trong đời, là món bánh mì kẹp thịt do bố chế biến, anh lại nghĩ, sau này sẽ làm đầu bếp như bố.

Vào cấp ba, tại trường Chu Văn An, cố thầy giáo Hồng Hải đã truyền cảm hứng cho anh yêu sinh vật học. Sự say mê này đã dẫn anh đến với Trường đại học Tổng hợp ở Liên bang Xô Viết cũ, nơi anh đã nhận được các kiến thức vô giá về vi sinh và di truyền.

Về nước năm 1995, anh được làm việc tại nhà nấu của Carlsberg tại Việt Nam là liên doanh với nước ngoài đầu tiên về bia. Khi bắt đầu, phần lớn các mẻ nấu được thực hiện bằng tay, sau đó là lên men, lọc bia, kiểm tra chất lượng, phân tích lý, hoá các loại bia. Niềm đam mê về nấu bia của anh bắt đầu bùng phát. 

Có lẽ vì là người đặc biệt, nên anh được Carlsberg cử đi học khóa chuyên gia nấu ủ bia cấp cao Master Brewer tại Scandinavian School of Brewing ở Copenhagen (Đan Mạch) trong 6 tháng. Sau khi trở về Việt Nam và trong suốt 18 năm làm việc tại Carlsberg, anh đã đảm nhiệm các vị trí như Giám đốc Sản xuất, Giám đốc Kỹ thuật, Giám đốc Chuỗi cung ứng.

Khát vọng về sản xuất các loại bia thượng hạng được nâng lên khi anh chuyển sang tập đoàn toàn cầu ABInBev, có trụ sở chính ở Bỉ. Là Giám đốc nhà máy, anh cùng với đội ngũ 58 nhân viên đầu tiên do chính anh tuyển chọn đã xây dựng thành công nhà máy ABInBev đầu tiên ở Đông Nam Á, sản xuất ra Budweiser, Beck’s đạt chuẩn về chất lượng toàn cầu của Tập đoàn ngay từ mẻ nấu đầu tiên. Cơ hội ở Carlsberg lặp lại ở ABInBev. Anh được đi khắp nơi và được giao lưu với các nhà nấu bia kinh nghiệm từ 5 thế hệ là brewmaster, những nhà lãnh đạo xuất sắc, được trải nghiệm, được học hỏi ở các nhà máy bia lớn, hiện đại bậc nhất thế giới.

Chuyến khám phá Australia và các nước châu Âu, nhất là Brussels (Bỉ), nơi có hàng ngàn loại bia khác nhau (trong đó có những loại bia thủ công vô cùng độc đáo, khác biệt), đã làm ước nguyện tự nấu các dòng bia tuyệt vời trong anh sôi sục hơn.

Cùng lúc, mức tăng trưởng đáng kinh ngạc của bia thủ công tại Mỹ đã minh chứng một xu thế sản xuất và thưởng thức loại bia này trên toàn cầu. Trong xu thế này, thật may mắn, anh tìm thấy các đối tác tin cậy, tập hợp nguồn lực để đầu năm 2016, nhà máy sản xuất bia thủ công C-Brewmaster ra đời.

“Tôi đã không theo ngành may của mẹ, ngành nấu ăn của bố, ngành giáo dục của thầy Hồng Hải, nhưng tôi hấp thụ từ ông bà, từ thầy tính kiên trì, sự lạc quan, triết lý sáng tạo, niềm cảm hứng vô tận với việc mình làm, cũng như năng lực nếm và cảm quan”, anh nói.

3. Khởi nghiệp từ “4 không” (không nhân viên, không nhà máy, không cửa hàng, không có nhiều tiền), thì 90% sẽ thất bại, nhưng anh đã thực sự bước ra khỏi vùng an toàn.

Khi bắt đầu rời bỏ con đường làm thuê với mức lương vài trăm ngàn USD/năm, anh không biết bắt đầu từ đâu.

“Nhiều đêm tôi nghĩ có lẽ đang mắc lỗi, đang sai ở đâu đó”, anh kể về cuộc chuyển đổi đầy hoang mang của mình.

Anh học vững nhất về toán và hóa học, nhưng sinh vật lại là môn anh yêu thích nhất, trong đó kiến thức về con người là niềm đam mê lớn. Điều giúp anh rất nhiều trong việc tuyển dụng nhân viên, tạo nên môi trường làm việc mộc mà chất.

Ở ngôi nhà C-Brewmaster, nền móng vững chắc nhất là con người. Anh trao cơ hội cho những bạn trẻ nhiệt huyết, có thái độ tích cực và mang khát vọng phát triển.

Đó là Thủy Tiên, 4 năm trước chỉ là một nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhưng đã can đảm thoát khỏi vùng an toàn và hiện là quản lý nhà máy mới của C-Brewmaster tại Tiền Giang. Cô tự tuyển đội ngũ, xây dựng, hoàn thiện nhà máy và nấu thành công những mẻ bia đầu tiên.

Đó còn là Nguyễn Hiền, trước khi vào C-Brewmaster, kiến thức về bia là con số không, nay là một trong nữ nấu bia thủ công đầu tiên người Việt, tham gia đảm bảo chất lượng, cung ứng, tự tin chia sẻ niềm đam mê craftbeer với các khách hàng…

Nếu nền móng ngôi nhà C-Brewmaster là con người, thì khung nhà là sản phẩm và cảm xúc là nội thất. Khát vọng của anh là tạo ra các loại bia độc đáo chưa từng có trên thế giới. C-Brewmaster đã và đang sử dụng nguyên liệu truyền thống của Việt Nam như quế, hồi, sả, chanh leo, quýt, lá bạc hà, cam thảo, mật ong, củ dền…  để nấu ủ ra các dòng bia có hương vị, màu sắc mang tính bản địa, khác biệt. Tất cả đều được đóng gói thủ công từ gỗ thông đỏ bắt mắt…

Cuối cùng, C-Brewmaster không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để giúp khách hàng chiêm ngưỡng “nội thất” của mình. Ở đó, không chỉ có các nồi nấu bia bọc đồng Made in Germany cũ kỹ sáng loáng có tuổi đời vài chục năm, với những thùng lên men bọc gỗ sồi thô mộc ấn tượng, mà khách tham quan còn được trải nghiệm nhiều hơn thế.

Nhà máy C-Brewmaster luôn tổ chức các tour thăm quan để khách hàng trải nghiệm qua các câu chuyện không dứt về bia, về bản sắc Việt. Nghệ nhân nấu bia sẽ chia sẻ câu chuyện về C-Brewmaster, về logo và thương hiệu bia, về công nghệ sản xuất, nguồn gốc và lịch sử từng dòng bia, kỹ thuật cảm quan các loại bia. Khách hàng có thể nếm và cảm nhận sự kết hợp thú vị giữa các loại bia thủ công Việt từ các thùng ủ bia cùng những món ăn quê thuần Việt…

Đặc biệt, Nhà máy C-Brewmaster hơn 5.000 m2 tại Tiền Giang còn là mô hình mini hệ sinh thái. Theo đó, bã nấu, men thải được dùng để nuôi cá và bón cho cây. Các loại trái thu được sẽ được đưa vào trong bia cho lên men. Vườn cây trồng các loại như bạc hà, sả, gừng, chanh leo… là nguồn nguyên liệu để tạo ra các loại hương tự nhiên 100% cho các dòng bia địa phương. Vườn cỏ, hồ điều hòa, vườn cây trái có thể trở thành nơi nghỉ ngơi, giao lưu của các gia đình vào những ngày cuối tuần.

Nơi làm việc cho các nhân viên ở C-Brewmaster không có nội quy, không ngăn ô kiểu truyền thống, chỉ có một chiếc bàn rất to, dài và tất cả ngồi xoay quanh. Ở đây, có thể bắt gặp một bạn trẻ vừa mua hàng, chăm sóc mạng IT, vừa làm công tác nhân sự, thiết kế các nhãn bia C-Brewmaster.

Hay một nhân viên kỹ thuật sửa chữa máy kiêm thợ cơ khí và nhân viên đóng gói, vận chuyển. Một bạn kế toán C-Brewmaster có thể rót bia lành nghề, phụ nấu ăn, dán nhãn và tư vấn về các dòng bia như những người bán hàng thực thụ. Nếu đúng dịp, sẽ gặp một brewmaster rất cởi mở, có thể nói không chán về bia và rất thích chụp những bức ảnh đẹp cho khách hàng.

Nguyễn Văn Cường bảo, người C-Brewmaster là thế. Với cá nhân anh, việc dấn thân vào craftbeer như việc thả sự điên rồ của mình ra ngoài. Nó biến anh thành người khó đoán và không bao giờ nhàm chán để phiêu lưu trong cuộc mưu sinh còn lại của cuộc đời. Đó là cảm giác đầy tung tẩy mà tinh tế trong việc truy đuổi sự cân bằng về hương vị chua cay, đắng ngọt của men bia…

Nguồn: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nhan/doanh-nhan-nguyen-van-cuong-phieu-luu-cung-men-bia-257087.html